Chiến lược và chiến thuật Trận_Crete

Chiến dịch Mercury

Bản đồ cuộc tấn công của Đức trên đảo Crete

Trong chỉ thị của Hitler cho phép triển khai chiến dịch, Chỉ thị Số 28, có nêu rất rõ ràng rằng lực lượng được sử dụng chủ yếu là các đơn vị không vận và không quân sẵn có trong khu vực. Ngoài ra, những đơn vị nào vừa tham gia tấn công Crete nhưng vừa được dành cho chiến dịch Barbarossa sau đó thì phải ngưng hoạt động muộn nhất là trước cuối tháng 5. Chiến dịch tại đảo Crete không được làm ảnh hưởng đến thời hạn của kế hoạch Barbarossa. Điều này có nghĩa là đòn tấn công dự kiến phải được bắt đầu trong khoảng thời gian quy định nếu không sẽ bị hủy bỏ. Công tác lên kế hoạch được cấp tốc đẩy mạnh, và người Đức đã phải ứng biến nhiều hoạt động, trong đó có cả việc sử dụng những lính dù không được đào tạo cho kiểu tấn công không vận.[27]

Mặc dù những người lên kế hoạch bên phía Đức nhất trí rằng cần thiết phải chiếm lấy sân bay Maleme, nhưng lại có một số tranh cãi về việc tập trung lực lượng ở đó và số quân được triển khai tại các mục tiêu khác, như các sân bay nhỏ hơn tại Heraklion và Rethymno. Trong khi tư lệnh không quân Luftwaffe, thượng tướng Alexander Löhr và tư lệnh hải quân, Đô đốc Karl-Georg Schuster ủng hộ tập trung lực lượng mạnh hơn tại Maleme, nhằm tạo ưu thế lực lượng áp đảo[28] thì ngược lại, thiếu tướng Kurt Student muốn phân tán lính dù ra rộng hơn để tối đa hóa hiệu quả của yếu tố bất ngờ.[28] Là mục tiêu chính, Maleme có rất nhiều lợi thế: nó là sân bay lớn nhất, có khả năng hỗ trợ các máy bay vận tải hạng nặng chở quân tiếp viện; nó cũng ở gần đất liền đủ cho các máy bay tiêm kích Messerschmitt Bf 109 tại đó hỗ trợ kiểm soát bầu trời; và nó nằm gần bờ biển phía bắc, như vậy quân tăng viện bằng đường biển có thể được đưa đến một cách nhanh chóng.

Hermann Göring đã đưa ra một kế hoạch có tính thỏa hiệp giữa hai quan điểm trên và được tán thành. Kế hoạch cuối cùng chú trọng việc chiếm lấy Maleme trước tiên, nhưng cũng không bỏ qua các cơ sở khác của Đồng Minh.[29] Nó được mang mật danh Merkur, đặt theo tên vị thần Mercury trong thần thoại La Mã. Lực lượng Đức được chia làm ba cụm tác chiến, Trung tâm, Tây và Đông, mỗi cụm có một mật danh đặc biệt đặt theo tên các vị thần khác tương tự Mercury. Tổng cộng có 750 lính tàu lượn, 10.000 lính dù, 5.000 quân sơn chiến chở bằng máy bay và 7.000 quân đi đường biển được dành cho cuộc tiến công này. Trong đó Cụm Tây chiếm tỷ lệ lực lượng lớn nhất.

Các cụm tác chiến trong Chiến dịch Mercury[28]
Tên cụmMật danh theo thần thoạiTư lệnhMục tiêu
Gruppe Mitte (Cụm Trung tâm)MarsThiếu tướng Wilhelm SüssmanPrison Valley, Chania, Souda, Rethymno
Gruppe West (Cụm Tây)CometThiếu tướng Eugen MeindlMaleme
Gruppe Ost (Cụm Đông)OrionĐại tá Bruno BräuerHeraklion

Học thuyết không vận của Đức chủ yếu dựa trên cơ sở cho quân nhảy dù theo số lượng nhỏ trực tiếp trên các sân bay của đối phương. Lực lượng này sẽ đánh chiếm khu vực vòng ngoài và các khẩu pháo phòng không, để cho một lực lượng khác lớn hơn nhiều có thể đổ bộ bằng tàu lượn.[30]

Freyberg đã nhận ra điều này sau khi nghiên cứu các chiến dịch của Đức trong năm trước đó, và quyết định sẽ làm cho các sân bay ở Crete không thể sử dụng cho việc hạ cánh được nữa. Tuy nhiên, ông đã bị Bộ Tư lệnh Trung ĐôngAlexandria bác bỏ.[31] Kể từ khi biết về cuộc tấn công này thì họ cảm thấy rằng nó chắc chắn sẽ thất bại, và có thể họ muốn duy trì các sân bay được nguyên vẹn để cho lực lượng Không quân Hoàng gia Anh (RAF) có thể trở lại một khi hòn đảo đã được an toàn, và một số người đã cho rằng đây là một sai lầm chí mạng.[31] Điều đó không hẳn đúng vì trong trường hợp này, quân Đức đã chứng minh là họ có thể đổ quân tiếp viện mà không cần các sân bay có đầy đủ chức năng. Có một phi công Đức đã đáp nhầm chiếc máy bay vận tải của mình lên một bãi biển hoang vắng; nhiều trường hợp khác hạ cánh xuống các cánh đồng trống, đổ quân và lại cất cánh bay tiếp. Đối với quân Đức sẵn sàng hy sinh một số lượng lớn các máy bay vận tải chỉ để đạt được chiến thắng, thì quyết định phá hủy các sân bay chưa hẳn đã có thể tạo nên một kết quả cuối cùng nào khác,[32] nhất là với số quân được vận chuyển bằng những tàu lượn quân sự - vốn là đồ dùng một lần và có thể thoải mái phung phí được.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Trận_Crete http://www.themonthly.com.au/nation-reviewed-shane... http://dspace.anu.edu.au/bitstream/1885/46367/1/ch... http://www.awm.gov.au/histories/second_world_war/v... http://www.axishistory.com/index.php?id=8524 http://www.crete1941.com/gallery.htm http://www.historyanimated.com/wwiianimated.com/in... http://www.hotel-mike.com/en/about-crete/battle-of... http://www.geetha.mil.gr/media/1maxikritis/maxi-kr... http://www.patris.gr/articles/133978/ http://www.regiamarinaitaliana.it/Creta1.html